Tuyên bố về đạo đức xuất bản

Tuyên bố về đạo đức xuất bản

Tạp chí Y học lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE’s guidelines) và qui định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, thúc đẩy tính liêm chính trong các ấn phẩm nghiên cứu được bình duyệt.

Tác giả chịu trách nhiệm trước Ban biên tập, công luận và những quy định liên quan của Việt Nam về nội dung bản thảo.

Định nghĩa về Liêm chính Khoa học, Đạo văn và Tự đạo văn:

Liêm chính Khoa học là phẩm chất đạo đức của các nhà khoa học, giáo viên và sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Liêm chính Khoa học đòi hỏi tính trung thực, minh bạch, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và sử dụng đúng cách các tài liệu tham khảo.

Đạo văn là hành vi sao chép hoặc sử dụng tài liệu của người khác mà không trích dẫn nguồn gốc. Đạo văn là một hành vi không đúng đạo đức và có thể bị xem là vi phạm pháp luật.

Tự đạo văn là hành vi sử dụng lại nội dung của chính mình trong các sản phẩm khoa học mà không trích dẫn nguồn gốc. Tự đạo văn cũng là một hành vi không đúng đạo đức và có thể bị xem là vi phạm pháp luật.

Nguyên bản và đạo văn: Tác giả được yêu cầu tuyên bố rằng bản thảo bài báo gửi đăng là công trình nghiên cứu gốc của Tác giả mà chưa được xuất bản trước đó hoặc đang được phản biện ở nơi khác. Nếu một phần của công trình nghiên cứu được tạo ra bởi một tổ chức hoặc nhóm nhà khoa học thì nó phải được đồng ý bằng văn bản cho tất cả các mục đích sử dụng. Việc gửi đăng cùng một công trình nghiên cứu cho nhiều hơn một tạp chí được coi là một hành vi xuất bản phi đạo đức và không được chấp nhận. Tác giả cần trình bày kết quả nghiên cứu một cách rõ ràng, trung thực và không bịa đặt, không làm sai lệch hoặc thao tác dữ liệu không phù hợp. Một bài báo cần chứa đầy đủ chi tiết các nội dung và tài liệu tham khảo để cho phép người khác tái tạo lại công trình nghiên cứu. Những tuyên bố gian lận hoặc cố ý không chính xác là cấu thành hành vi phi đạo đức và không được chấp nhận.

Tạp chí Y học lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng hệ thống phát hiện đạo văn PlagScan (https://www.plagscan.com) để sàng lọc đạo văn cho tất cả các bài bài báo trước khi thực hiện các bước đánh giá, phản biện. Các bản thảo có mức tương đồng cao hơn mức cho phép >10% sẽ được trả lại tác giả để chỉnh sửa trước khi qui trình phản biện bắt đầu.

Quyền tác giả bài báo, thứ tự tên các Tác giả và Tác giả liên hệ: Tất cả các cá nhân mà thực sự đã đóng góp cho công trình nghiên cứu cần được bao gồm và xác định là Tác giả của bài báo. Nếu công trình được chuẩn bị chung, thứ tự của các Tác giả (từ trái sang phải) phải được thực hiện dựa trên sự đóng góp của họ về phát triển các ý tưởng khoa học và ứng dụng; thực hiện các phân tích, thí nghiệm, đánh giá, nhận xét cho công trình nghiên cứu; viết bản thảo bài báo. Tác giả liên hệ trong bản thảo bài báo sẽ thay mặt các đồng Tác giả chịu trách nhiệm gửi bản thảo, cung cấp thông tin về các Tác giả, trả lời các câu hỏi của Người phản biện, liên hệ với các Biên tập viên,... Tác giả liên hệ cần thông báo cho các Đồng tác giả để đồng ý khi gửi bản thảo bài báo và có chữ ký của họ trong Thỏa thuận chuyển nhượng bản quyền hoặc trong văn bản cho phép.

Công nhận nguồn: Việc công nhận chính xác công việc của người khác phải luôn được đưa ra bằng cách trích dẫn nguồn ở những nơi thích hợp trong bài báo. Tác giả cần trích dẫn các công trình đã xuất bản mà có ảnh hưởng trong việc xác định bản chất của công trình gửi đăng.

Tiết lộ và xung đột lợi ích: Tác giả cần công bố các nguồn tài trợ có liên quan đến bản thảo bài báo của họ. Tác giả được yêu cầu tuyên bố liệu họ có các lợi ích chuyên môn, tài chính hoặc cá nhân từ các bên khác hoặc xung đột lợi ích khác mà có thể được hiểu là ảnh hưởng đến kết quả hoặc giải thích của họ trong bản thảo bài báo.